Những dự báo khoa học trong phim đã thành hiện thực - Nguồn: Youtube
Khi xem phim khoa học viễn tường, khán giả rất thích thú với những công nghệ kỳ diệu mà nhân loại đang mơ ước. Ví dụ như các phi thuyền không gian có thể bay nhanh hơn tốc độ ánh sáng, động cơ đẩy dùng nguyên lý phản trọng lực (anti-gravity), di chuyển đến bất cứ đâu bằng phương pháp viễn chuyển (teleportation), dùng phương pháp nhân bản (clone) để sản xuất con người nhân tạo nhằm thu hoạch các bộ phận nội tạng dùng vào cấy ghép cho người thật...
Nói chung là những thứ mà trình độ khoa học kỹ thuật hiện nay chưa thể đạt đến, nên chúng ta thường dùng câu "cứ như phim viễn tường" để ám chỉ những điều phi thực tế.
Tuy thế, không phải phim nào cũng tưởng tượng ra những điều phi lý theo trí tưởng tượng bay bổng của các đạo diễn và biên kịch. Có những bộ phim viễn tưởng ra đời hồi đầu thế kỷ 20 và các thập niên sau đã dự đoán rất chính xác những thành tựu khoa học kỹ thuật trong tương lai, đến nay tất cả đều trở thành hiện thực.
Vậy, các dự báo nào là chính xác?
Du hành lên Mặt Trăng: Phim ‘Le Voyage Dans La Lune’ (1902) - Pháp
Phim Le Voyage Dans La Lune (1902) dự báo con người sẽ đặt chân Mặt Trăng và trở về an toàn - Ảnh Imaginaryspaceship.com
Ngay từ năm 1865, nhà văn Pháp Jules Verne đã mô tả về du hành không gian trong quyền truyện viễn tưởng ‘Từ Trái đất lên Mặt trăng’.
Năm 1902, mặc dù công nghệ điện ảnh còn rất sơ khai, nhà sản xuất người Pháp Georges Méliès đã thực hiện một bộ phim có độ dài 13 phút mô tả các nhà thám hiểm bay lên Mặt trăng trong một phi thuyền hình viên đạn, được phóng lên không gian bằng một khẩu đại bác khổng lồ. Bộ phim này được xem là ông tổ của thể loại phim khoa học viễn tưởng sau này.
Bộ phim đã dự báo con người sẽ thực hiện được việc du hành lên Mặt trăng và trở về Trái đất an toàn. Đúng như vậy, ngày 20-7-1969, phi hành gia người Mỹ Neil Amstrong đã hiện thực hóa mơ ước đặt chân lên Mặt trăng của các nhà làm phim và tiểu thuyết gia viễn tưởng.
Người máy: Phim ‘Metropolis’ (1927) - Đức
Bộ phim ít người biết của đạo diễn người Đức Fritz Lang có phần khó xem với khán giả hiện nay vì nó quay bằng phim đen trắng, không có âm thanh và thời lượng dài đến 2 tiếng. Nhưng bộ phim đưa ra dự báo rằng trong tương lai con người sẽ chế tạo ra các robot để phục vụ cuộc sống.
Đến nay, ngoài những loại robot dùng trong sản xuất công nghiệp (loại này không có tí gì là giống con người), các nhà chế tạo đã trình làng những loại robot có diện mạo giống người và biết giao tiếp với con người nhờ trang bị trí tuệ nhân tạo như Erica của Nhật, Bina48 và Sophia của Mỹ. Ngoài ra còn có các loại robot có tứ chi như người hoặc loài vật dùng trong lĩnh vực quân sự.
Điện thoại di động: Phim 'Star Trek' (1966) - Mỹ
Những bạn đọc đã từng xem truyền hình những năm cuối thập niên 1960 chắc hẳn còn nhớ phim viễn tưởng Star Trek, trẻ nhỏ thời đó hay gọi nôm na là phim ‘Lỗ tai lừa’ vì nhân vật Spock trong phim có đôi tai nhọn hoắc. Khi đáp xuống một hành tinh lạ, đoàn thám hiểm Star Trek dùng một cái bộ đàm nhỏ xíu cầm gọn trên tay để liên lạc với tàu vũ trụ Enterprise trên quỹ đạo.
Các nhà khoa học nhận xét rằng Star Trek là bộ phim đưa ra nhiều dự báo chính xác về sự phát triển công nghệ thế giới. Riêng về chiếc bộ đàm trong phim đã trở thành hiện thực vào năm 1983, khi hãng Motorola (Mỹ) đưa thị trường chiếc di động đầu tiên trên thế giới DynaTAC.
Kỹ sư Martin Cooper - cha đẻ của chiếc DynaTAC, cho biết chiếc bộ đàm trong phim Star Trek đã gợi cho ông ý tưởng sáng chế một chiếc điện thoại có thể mang theo mình đi đây đi đó. DynaTAC cũng được xem là ‘ông tổ’ của các dòng điện thoại di động và smartphone ngày nay.
Máy bay quân sự không người lái: Phim ‘The Terminator’ (1984) - Mỹ
Bộ phim viễn tưởng bom tấn The Terminator đã phác họa một thế giới tương lai khi máy móc thông minh đến mức chúng tìm cách tiêu diệt loài người để thống trị Trái đất. Trong phim, cảnh chiến đấu ác liệt giữa các máy bay không người lái ‘sát thủ’ (hunter-killer drone) và con người đã gây ấn tượng cực mạnh cho khán giả xem phim.
Vào thập niên 80, công nghệ chế tạo máy bay không người lái điều khiển từ xa chưa có những tiến bộ như hiện nay, nên các loại drone thời đó khá thô sơ. Với trí tưởng tượng phong phú, đạo diễn James Cameron đã làm giới quân sự mơ ước về một loại drone tự hành thông minh đến mức có thể tự hoạt động, biết nhận dạng đối phương và ra quyết định tấn công mà không cần sự điều khiển của con người.
Con người đã nghĩ đến các loại thiết bị bay không người lái dùng vào mục đích quân sự từ rất lâu. Năm 1849, khi quân đội Áo bao vây thành phố Venice (Ý), họ đã phóng 200 quả bóng bay mang bom cháy với hi vọng là gây những vụ cháy lớn trong thành phố làm đối phương hoảng loạn. Nhưng kế hoạch này không thành công vì gió đột ngột đổi chiều làm bóng bay ngược trở lại và nện bom xuống đầu quân nhà.
Từ Thế chiến thứ nhất đến Thế chiến thứ hai, các nước Anh, Mỹ và Đức đã nỗ lực chế tạo các loại máy bay cánh quạt điều khiển từ xa bằng sóng vô tuyến dùng vào mục đích tấn công nhưng đều không thành công.
Vào thập niên 70, người Mỹ đã chế tạo một số loại drone dùng vào mục đích do thám nhưng do công nghệ điều khiển từ xa còn nhiều khiếm khuyết nên không đạt hiệu quả như mong đợi.
Mãi đến năm 1994, Hãng General Atomics (Mỹ) mới chế tạo thành công chiếc drone quân sự đầu tiên là MQ-1 Predator có trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire để tấn công mục tiêu mặt đất.
Predator và thế hệ sau là MQ-9 Reaper được điều khiển từ xa bởi các phi công thực thụ ở căn cứ cách đó hàng ngàn cây số. Các loại drone ‘săn mồi’ này đã tiêu diệt được nhiều phần tử khủng bố ở các nước Afghanistan, Pakistan, Iraq, Yemen, Lybia và Somalia.
Ngôi nhà thông minh: Phim ‘Demon Seed’ (1977) - Mỹ
Ngôi nhà thông minh đã được dự báo trong phim Devil Seed (1977) - Ảnh BusinessInsider-MGM
Nhiều người cho rằng chính bộ phim Smart House ra năm 1999 là phim đầu tiên mô tả về một ngôi nhà được trang bị các công nghệ thông minh phục vụ chủ nhân, hiện nay gọi là Smart Home. Nhưng ít người biết rằng chính phim viễn tưởng Demon Seed ra năm 1977 của đạo diễn Donald Cammell mới là phim đầu tiên đưa ra dự báo này.
Trong phim, khoa học gia Alex Harris chế ra một máy tính trang bị trí tuệ nhân tạo tên Proteus IV để giúp ông nghiên cứu cách điều trị bệnh ung thư máu và có thể quản lý và vận hành mọi thiết bị sinh hoạt trong căn nhà của ông.
Phim mô tả ngôi tả ngôi nhà được máy tính điều khiển toàn bộ từ đèn chiếu sáng, khóa cửa, chuông cửa có hệ thống đàm thoại video, hệ thống điều hòa nhiệt độ, nhà bếp… tất cả giống hệt ngôi nhà thông minh Smart Home đang là trào lưu thời thựợng hiện nay.
Tai nghe nhét tai earbud: Phim ‘Fahrenheit 451’ (1966) - Mỹ
Phim Farenheit 451 (1966) dự báo về loại tai nghe nhét tai (earbud) dùng nghe nhạc và đàm thoại - Ảnh chụp màn hình phim Farenheit 451
Dựa theo truyện viễn tưởng ‘Fahrenheit 451’ của nhà văn Mỹ Ray Bradbury, đạo diễn người Pháp François Truffaut đã quay bộ phim có cùng tên vào năm 1966. Thời điểm này, phương tiện nghe tin tức có thể mang theo người là cái radio, và dù ngày ấy đã có tai nghe (headphone) nhưng chúng rất to và cồng kềnh.
Phim Fahrenheit 451 mô tả các nhân vật trong phim sử dụng một loại thiết bị nhỏ có thể gắn vào tai để nghe nhạc và đàm thoại giống như loại tai nghe nhét tai (earbud) nhỏ gọn ngày nay. Trên thực tế, mãi đến năm 2001, dự báo này mới trở thành hiện thực khi Apple trình làng thiết bị nghe nhạc cá nhân iPod có kèm bộ tai nghe nhỏ xíu.
Đàm thoại video: Phim ‘2001: A Space Odyssey' (1968) - Mỹ
Đàm thoại video đã xuất hiện từ thời chưa có Internet trong phim 2001 A Space Odyssey (1968) - Ảnh BusinessInsider-MGM.bmp
Bộ phim viễn tưởng kinh điển của đạo diễn người Mỹ Stanley Kubrick đưa ra rất nhiều dự báo về các thiết bị và ứng dụng tương lai, nhưng đáng chú ý nhất là dự báo về một ứng dụng đàm thoại video xuyên không gian.
Một trường đoạn trong phim mô tả cảnh nhà du hành vũ trụ Heywood Floyd đang ở trên trạm không gian gọi điện thoại video về gia đình đang ở Trái đất.
Vào thời máy vi tính còn sơ khai của những năm cuối thập niên 1960 và chưa có Internet, đàm thoại video là niềm mơ ước của giới viễn thông. Dù trước và sau đó đã có những nỗ lực chế tạo ra những thiết bị thoại video nhưng tất cả đều không thành công vì nhiều hạn chế về kỹ thuật thời đó.
Chỉ đến khi có sự phát triển rộng khắp của Internet và máy tính cá nhân, dự báo về việc đàm thoại video mới trở thành hiện thực với ứng dụng đầu tiên có chức năng này là Skype vào năm 2003. Sau đó là Yahoo Messenger, Facetime, Messenger và những ứng dụng tương tự khác.
Ôtô bay: phim ‘Blade Runner’ (1982) - Mỹ
Dự báo về ôtô bay trong phim Blade Runner 1982 (trên) nay đã thành hiện thực với mẫu taxi bay của Uber (dưới) - Ảnh Newsweek-BusinessInsider
Khi bộ phim viễn tưởng Blade Runner của đạo diễn Ridley Scott trình chiếu năm 1982, nó không được công chúng tiếp đón nồng hậu. Nhưng về sau giới phê bình điện ảnh phải công nhận đây là một bộ phim kinh điển, có tầm ảnh hưởng lớn đến các nhà làm phim thể loại viễn tưởng từ đó đến nay.
Blade Runner đưa ra nhiều dự báo tương lai như ôtô bay tự hành, dùng tế bào người để sản xuất hàng loạt ‘người nhân tạo’ để thực hiện các công việc nặng nhọc và nguy hiểm, thành lập các thuộc địa trên những hành tinh xa xôi ngoài Thái dương hệ.
Dù một số dự báo đến nay chưa thể thực hiện, dự báo về ôtô bay tự hành như loại Spinner trong phim giờ đây đã trở thành hiện thực. Các Hãng Boeing (Mỹ), Airbus (liên doanh Anh-Pháp-Đức-Tây Ban Nha) và eHang (Trung Quốc) đã chế tạo thành công một số mẫu taxi bay tự hành để vận chuyển khách khách trong nội ô đô thị.
Hãng Uber dự định sẽ triển khai dịch vụ taxi bay ở các thành phố lớn thuộc châu Âu và Mỹ vào năm 2023.